8 Chiến Lược Tăng Trưởng Doanh Nghiệp

“Giậm chân tại chỗ” là tình trạng chung của rất nhiều doanh nghiệp. Họ có doanh số bán hàng ổn định, mọi thứ có vẻ đang được vận hành suôn sẻ nhưng theo thời gian, lợi nhuận lại giảm dần. Tại sao một công ty đang tiến triển tốt, giữ được nhân sự giỏi, duy trì hiệu quả hoạt động và sự hài lòng của khách hàng lại dần dần xuống dốc? Nguyên nhân đến từ đâu?

Doanh nghiệp duy trì số lượng khách hàng do chính sách không tăng giá, giữ chân nhân viên bằng cách tăng lương, tiếp tục hợp tác với nhà cung cấp dù giá tăng, … Tất cả những điều này sẽ khiến “chi phí” không ngừng leo thang và lợi nhuận sẽ liên tục giảm. Vậy chủ doanh nghiệp cần làm gì để giải quyết tình trạng này? Có rất nhiều giải pháp, trong đó, giải pháp quan trọng nhất là tập trung vào sự tăng trưởng.

Trong công việc và trong cuộc sống, nếu “yên vị” bạn sẽ “thụt lùi”. Tương tự như vậy, doanh nghiệp của bạn nếu không phát triển lớn mạnh, sẽ phải giải thể không sớm thì muộn. Thế nên, thay vì chọn “cái chết” từ từ do bảo thủ và thụ động, hãy lựa chọn đổi mới và tăng trưởng. Hãy chủ động tìm kiếm những phương án cải tiến khả thi và phù hợp với điều kiện thực tế của doanh nghiệp.

Cơ sở đánh giá tốc độ tăng trưởng của doanh nghiệp

Sự tăng trưởng được nói đến ở đây không chỉ thể hiện ở doanh số bán hàng mà còn thể hiện đa dạng và toàn diện trong hoạt động kinh doanh. Muốn kiểm soát sự tăng trưởng của doanh nghiệp, hãy tập trung quan sát, tổng hợp và phân tích các nhân tố sau:

  • Tăng trưởng doanh thu.
  • Tăng trưởng lợi nhuận cuối cùng.
  • Tăng trưởng sản phẩm và dịch vụ.
  • Phát triển nguồn nhân lực.
  • Phát triển về mặt địa lý (mở rộng địa bàn và quy mô)
  • Phát triển trong những lĩnh vực khác.

8 Chiến lược tăng trưởng doanh nghiệp

Dựa vào những tiêu chuẩn và nhân tố kể trên, tôi sẽ lần lượt giới thiệu 8 chiến lược tăng trưởng doanh nghiệp bền vững và nhanh chóng. Những chiến lược này đã được chứng thực về mức độ hiệu quả tại chính các doanh nghiệp mà tôi đã trực tiếp huấn luyện và điều hành.

1. Tăng giá

Nếu bạn chưa từng thực hiện chiến lược này thì hãy lên kế hoạch triển khai ngay. Hầu hết các chủ doanh nghiệp đang lo ngại về nguy cơ sụt giảm doanh số và lợi nhuận khi có sự dịch chuyển về giá cả. Trên thực tế, rất ít khách hàng phàn nàn hay nhận thấy sự thay đổi nếu mức giá tăng không đáng kể từ 1% đến dưới 10%. Nếu bạn không tin tôi, hãy thực hiện một cuộc điều tra và thử nghiệm trên phạm vi nhỏ. Giảm giá là cách nhanh nhất khiến doanh nghiệp thất bại. Nếu bạn muốn duy trì sự phát triển bền vững và lâu dài của doanh nghiệp thì bạn cần tích lũy thêm lợi nhuận. Và muốn tăng lợi nhuận, bạn nên nghĩ đến chiến lược nâng giá ngay từ bây giờ.

2. Bán kèm hoặc bán theo gói sản phẩm

Bạn sẽ không bao giờ rời khỏi McDonalds mà không nhận được lời chào mời: “Bạn có muốn mua sản phẩm này kèm theo khoai tây chiên không?”. Hãy học hỏi cách làm từ họ bằng việc nghĩ đến những sản phẩm bạn có thể bán kèm, hoặc bán các gói sản phẩm và dịch vụ theo dạng combo để khách hàng có thêm nhiều sự lựa chọn và kích thích họ mua hàng. Nếu bạn giảm giá 10 % trên hóa đơn 200$, bạn trực tiếp mất đi 20$. Nhưng nếu bạn cung cấp cho họ một sản phẩm hoặc dịch vụ kèm theo có giá trị 20$, vậy chi phí tiền mặt thực tế mất đi là bao nhiêu? Chắc chắn, con số sẽ ít hơn 20$ (khi áp dụng chính sách giảm giá).

3. Thu hồi nợ 

Đây có thể không thật sự là một giải pháp tăng trưởng mới mẻ và đột phá nhưng cần thiết và góp phần duy trì sự ổn định tài chính cho doanh nghiệp. Trên thực tế, có quá nhiều công ty không có hệ thống thu hồi nợ đúng lúc và kịp thời. Để thực thi chiến lược này, hãy thiết lập thời hạn viết thư yêu cầu, gọi điện hối thúc, gửi email nhắc nhở các đối tác và khách hàng thanh toán công nợ đúng hạn.

4. Xây dựng bản tin doanh nghiệp

Bạn nên lên kế hoạch và duy trì việc gửi bản tin cập nhật về sản phẩm và dịch vụ của doanh nghiệp hàng tuần, hàng tháng đến khách hàng. Đó có thể là những trang tin tức với nội dung súc tích, đơn giản nhưng đầy đủ và chất lượng. Điều này giúp khách hàng cũ và cả những khách hàng mới nhận diện thương hiệu tốt hơn, dễ dàng tiếp cận với sản phẩm và dịch vụ của bạn. Đồng thời, nắm được cách thức mua hàng nhanh chóng, tiện lợi, có thể liên lạc và nhận được sự hướng dẫn từ bạn mọi lúc mọi nơi.

5. Tăng cường độ phủ sóng và phổ biến trên phạm vi rộng

Hãy chắc chắn rằng bạn đang sở hữu một chiến lược và kế hoạch tiếp thị toàn diện để thương hiệu của bạn xuất hiện rộng khắp các kênh truyền thông và mạng xã hội. Qua đó, tăng cường tần suất và mật độ người dùng biết đến thương hiệu của bạn. Đồng thời, hoạt động tiếp thị hướng đến đối tượng mục tiêu (dựa trên nguồn dữ liệu sẵn có) sẽ giúp khách hàng hoặc người mua hàng tiềm năng nhận biết và ghi nhớ những đặc điểm sản phẩm, dịch vụ mà bạn đang quảng bá.

6. Đào tạo bán hàng 

Mọi chủ doanh nghiệp đều hướng đến mục tiêu doanh số. Đồng thời, đội ngũ nhân viên bán hàng nhân tố chủ chốt quyết định đến sự biến thiên về doanh số của doanh nghiệp. Do đó, đào tạo kỹ năng bán hàng được xem là chiến lược đầu tư phát triển nguồn nhân lực ảnh hưởng trực tiếp đến tiềm năng tăng trưởng của doanh nghiệp. Mọi lĩnh vực, ngành nghề chuyên môn đều cần đào tạo đội ngũ phục vụ liên tục và hoạt động kinh doanh cũng đặt ra nhu cầu đào tạo nhân viên sales nhằm nâng cao kỹ năng chốt đơn hàng và gia tăng doanh số.

7. Chiến lược tiếp thị truyền miệng

Bên cạnh chiến lược tiếp thị dựa trên đòn bẩy công nghệ hãy đẩy mạnh chiến lược tiếp thị truyền miệng thông qua việc tìm kiếm referral (cơ hội kinh doanh) từ chính mạng lưới những mối quan hệ của bạn. Đây là hình thức tiếp thị trực tiếp, với khả năng chốt sales, và mức độ tin cậy lan tỏa rất cao. Trong khi, đa phần các doanh nghiệp đều đang chạy theo các phương thức tiếp thị kiểu mới, việc đầu tư thời gian và nỗ lực cho hoạt động tiếp thị truyền thống này sẽ giúp bạn gia tăng cơ hội kinh doanh, hiện thực hóa chúng thành những hợp đồng và quy ra doanh số.

8.Đánh giá và đo lường

Để kiểm soát toàn diện các kế hoạch kinh doanh, tiếp thị và đưa ra những điều chỉnh kịp thời, bạn cần có chiến lược đánh giá và đo lường tỉ lệ chuyển đổi của từng chiến dịch. Nhờ những bảng báo cáo chi tiết và các con số chính xác, bạn sẽ biết được có bao nhiêu khách hàng tiềm năng mới mỗi ngày, tỉ lệ người dùng tiếp cận và nhấn xem các mẫu tin quảng cáo, điểm hòa vốn và doanh số,… Qua đó, giúp bạn kiểm soát chặt chẽ hoạt động kinh doanh và tối đa hóa lợi nhuận.

(Brad Sugars – Nhà sáng lập kiêm Chủ tịch ActionCOACH Toàn cầu)

Chia sẻ