Những Kiểu Lãnh Đạo Khiến Doanh Nghiệp “Điêu Đứng”

Những Kiểu Lãnh Đạo Khiến Doanh Nghiệp “Điêu Đứng”

Người lãnh đạo được ví như một vị thuyền trưởng chèo lái con thuyền kinh doanh của doanh nghiệp. Vị thuyền trưởng này có thực sự chèo lái được con tàu của mình hay không phụ thuộc nhiều vào tài đức của họ. Nói cách khác, cái tầm vững vàng phải đi với cái tâm nhiệt thành.

Dưới đây là những kiểu lãnh đạo có thể khiến doanh nghiệp “đi xuống” thậm chí “điêu đứng” mà các nhà điều hành/doanh nhân cần tránh nếu muốn quản lý từng bộ phận/công ty trơn tru, hiệu quả và “đắc nhân tâm”.

1. Tự cao, coi mình là tất cả: Đừng nghĩ rằng, bạn là lãnh đạo nên có thể bắt mọi người phải một mực làm theo ý mình. Hãy nhớ rằng, lãnh đạo là người luôn đề cao và ghi nhận những nhận xét tiêu cực, những chỉ trích từ phía khách hàng hay nhân viên. Chỉ khi nào có được cái nhìn toàn diện, khách quan cho mọi vấn đề của doanh nghiệp thì nhà điều hành mới nhận được sự tôn trọng và hợp tác của từng thành viên trong tập thể.

2. Né tránh trách nhiệm: Một khi người lãnh đạo thoái thác, đùn đẩy trách nhiệm và không nhận sai về phía mình thì chính họ không thể phát triển bản thân càng không thể điều hành doanh nghiệp hiệu quả. Là người lãnh đạo, bạn phải có đủ tự tin vào quyết định của bản thân, tin tưởng đội ngũ nhân viên đồng thời dám gánh chịu trách nhiệm khi gặp thất bại.

3. Không biết tự nhận định và đánh giá bản thân: Khi người lãnh đạo không biết tự đánh giá bản thân mình có nghĩa là họ vẫn chưa nhận thức được khả năng của mình đến đâu, mình có thể và không thể làm những gì. Trong nhiều trường hợp, chính họ không hiểu được ý của nhân viên hoặc không nhận ra vấn đề. Điều này có thể dẫn đến hệ quả là lãnh đạo sai hướng, gây ra những ảnh hưởng tiêu cực tới sự phát triển của doanh nghiệp.

Young confident caucasian businessman screaming on his employee

4. Quên mất chuyện giao tiếp cần đến từ 2 phía: Giao tiếp là một kỹ năng rất quan trọng, vì qua đó có thể đánh giá tư duy, thái độ của một đối tượng nhất định. Có không ít lãnh đạo hoạt ngôn trong giao tiếp nhưng không thực sự muốn nghe những ý kiến, chia sẻ từ người khác. Bên cạnh đó, lại có một số lãnh đạo không chia sẻ thông tin hoặc không đặt mục tiêu rõ ràng với người thực thi, ảnh hưởng đến định hướng và tiến trình công việc trong kế hoạch đã vạch ra từ trước.

5. Không kiên quyết sa thải nhân viên yếu kém: Muốn phát triển vững mạnh thì không thể sử dụng những nhân viên yếu kém về ý thức, thái độ cũng như chuyên môn, nghiệp vụ. Bởi lòng nhiệt tình cùng với sự ngu dốt sẽ dẫn tới phá hoại. Đừng vì thương cảm, ái ngại hay bất cứ một lý do gì để giữ nhân viên yếu kém. Đừng để những nhân tố tiêu cực kìm hãm quá trình nâng tầm doanh nghiệp.

6. Giải quyết mọi việc “nửa vời”: Mẫu lãnh đạo làm việc “nửa vời” sẽ gây hại cho toàn bộ hệ thống. Một nhà lãnh đạo giỏi sẽ biết cách giải quyết mọi thứ triệt để, dựa trên mức độ quan trọng, ưu tiên và khẩn cấp của từng vấn đề trong từng hoàn cảnh nhất định.

7. Chú trọng chi tiết, bỏ qua toàn cảnh và tổng thể: Điểm hạn chế này thường gặp ở những nhà lãnh đạo mới được bổ nhiệm, thăng chức. Họ quá chú trọng, để ý đến chi tiết vụn vặt nhưng lại bỏ qua cái nhìn toàn diện, bao quát cho mọi sự việc, sự vụ. Về lâu về dài, nhận định và cách hành xử thiếu “tầm nhìn” của họ sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả vận hành và sự phát triển của doanh nghiệp.

Chia sẻ